Vingroup xây dựng nhà máy công suất 100 – 200 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19/năm ở Hà Nội

VFQT – Đây là 1 trong 5 công trình, dự án trọng điểm được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Công suất nhà máy là 100 – 200 triệu liều vắc xin/năm.

UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản cho phép 5 công trình/dự án trọng điểm cấp bách được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Trong số này có dự án nhà máy sản xuất Vaccine của Vingroup, đặt tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Tại cuộc họp với Thủ tướng cuối tuần trước, Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện 2 vắc xin là Nano Covax (Công ty Nanogen) và Covivac (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang), đồng thời nhận chuyển giao công nghệ 2 vắc xin khác từ Mỹ và Nhật.

Trong số này, vắc xin do Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Acturus, Hoa Kỳ, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 8-2021. Sau khi hoàn thành thử nghiệm sẽ triển khai sản xuất tại nhà máy ở Hòa Lạc, thành phẩm sẽ có mặt trên thị trường dự kiến vào năm 2022.

Bộ Y tế cho biết nhà máy có công suất 100 – 200 triệu liều vắc xin/năm, vắc xin sản xuất bằng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tương tự việc sản xuất vắc xin Pfizer và cũng là vắc xin dạng đông khô giống Pfizer, nhưng nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C, khác với Pfizer bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 75 đến âm 85 độ C).

Trước đó, trong ngày 28-7, Bộ Y tế cho biết có trên 307.270 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 5.321.840 liều, trong đó tiêm mũi 1 là gần 4.825.210 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Đây là ngày có số người được tiêm chủng lớn nhất kể từ đầu tháng 7 và một trong số ngày có số người được tiêm lớn nhất kể từ tháng 3-2021 khi Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Tuy nhiên so với nhu cầu, con số này vẫn rất chậm, kể cả so với số vắc xin đã về (gần 15 triệu liều) và số người cần tiêm chủng. Phát biểu tại cuộc làm việc hôm nay 29-7 với Công ty Nanogen, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Y tế cấp phép sớm cho vắc xin Nano Covax.

Cập nhật mới nhất về số liệu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khắp thế giới cho thấy số đã tiêm tại Việt Nam đạt hơn 5,5% dân số, chỉ cao hơn các quốc gia châu Phi, Afghanistan, Bangladesh… So với các quốc gia lân cận, tỉ lệ người dân đã tiêm ở Việt Nam thấp hơn Campuchia (hiện hơn 40%), Thái Lan (hơn 17%), Indonesia (gần 17%)…


Ngoài dự án Nhà máy vaccine tại Hoà Lạc, Hà Nội còn có 4 nhóm công trình, dự án trọng điểm cấp bách khác được phép hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 17, gồm nhà giải phẫu bệnh lý – Bệnh viện Quân y, các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa Thường Tín, Sơn Tây, Hà Đông, công trình Bệnh viện K; 19 dự án chống sạt lở kè bờ sông và công trình thoát lũ; Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố, trụ sở của Viện khoa học hành sự; Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam.

Nguồn bài viết: tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *